“Nó là một cơn thủy triều độc hại “không thể gọi được tên”, một sự tra tấn xa lạ với tất cả những trải nghiệm hằng ngày, khiến người mạnh khỏe không thể hình dung nổi. Nó là một cái gì đó “rất gần với sự đau đớn, nhưng lại vô cùng khác, theo cách mà không thể diễn đạt được” – William Styron
Đại Dương Đen là một trong số ít quyển sách đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, như lời tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ là giáo dục tâm lý và để nạn nhân của căn bệnh trầm cảm tự tầm soát được mức độ của mình, thông qua những kiến thức khoa học về căn bệnh mà người Việt Nam đại đa số còn xem nhẹ rằng dễ đến dễ đi, nhưng không ai biết nó âm thầm ăn tận xương cốt, tâm trí con người đến một giai đoạn nghiêm trọng mới.
Quyển sách được bố cục rõ ràng khi phần đầu là lời tự sự từ những nạn nhân của trầm cảm. Phần hai sẽ đi sâu vào kiến thức giúp độc giả có thể lĩnh hội được đâu là trầm cảm, trầm cảm có hình dáng như thế nào, nó đến từ đâu, độc giả cũng học được cách đối xử với người trầm cảm và bắt đầu đặt nó lên cán cân được xem là một trong những căn bệnh không thua kém bệnh nan y.
Nhân Chứng Sống
“Nó không chỉ có ở trong giới trẻ, “vì chúng vốn thất thường trong cảm xúc”. Không chỉ ở người học hành cao, “vì họ suy nghĩ quá nhiều”. Không chỉ trong giới văn nghệ sĩ, “vì họ quá nhạy cảm”. Không chỉ ở người có kinh tế đầy đủ, “bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm” – Nếu không ở đâu cả, vậy trầm cảm thực sự đến từ đâu?
Ở phần 1 của Đại Dương Đen, độc giả và tác giả sẽ ngồi lại, kiên nhẫn, chân thành lắng nghe câu chuyện của các bệnh nhân bị trầm cảm đeo bám dai dẳng, nhưng không một ai trong số họ được chấp nhận việc trầm cảm là một căn bệnh, còn là một căn bệnh nguy hiểm khi chúng không trực tiếp đến và thể hiện qua cơn đau thể chất, mà chúng lại âm thầm gõ cửa từ bên trong, tạo một lỗ hổng trơ trọi khiến người bệnh dần vô cảm, dần mất đi sự kiểm soát cơ thể mình.
Trầm cảm có rất nhiều bẹo hình bẹo dạng, trong khi nhận thức của người Việt Nam như lời tác giả đã nói là còn hạn chế và không xem nó như một căn bệnh cần chữa trị. Ít ai biết được trầm cảm là một con thú dữ đến không báo trước, nó thường tìm những đứa trẻ khiếm khuyết về quá khứ, là gia đình đổ vỡ, không một ai lắng nghe, là áp lực điểm số, là có bệnh nhưng không ai trong gia đình thấu hiểu, là chữa nhưng không triệt để, cũng là vô tâm, trách móc, phần lớn đó là cái u nhọt để trầm cảm tìm đến: “Hoa cho rằng đó là vì bên này chị được sống trong một môi trường mà chị được chấp nhận. Không còn những ánh mắt, những cái nhíu mày đầy dấu hỏi, những thái độ e dè vì sự “lập dị” của chị nữa. Ở đây, không ai thấy ai là kỳ quặc, hoặc đúng hơn, mọi sự kỳ quặc đều được để yên”. Với phụ nữ sau sinh hay khi đã có áp lực nhất định từ cuộc sống, xã hội, gia đình trầm cảm lại tiến triển nhanh hơn, tuổi xế chiều thường rất ít trường hợp nhưng vẫn có như ông Thạch 75 tuổi đã làm bạn với trầm cảm suốt bấy nhiêu năm (tác giả gọi đó là trầm cảm muộn). Nhưng ông là một trong 12 nhân chứng sống, kiên trì bền bỉ vượt qua được, khơi rất nhiều cảm hứng cho lớp trẻ vẫn đang loay hoay tìm kiếm sức mạnh, tìm chỗ dựa để chiến đấu lâu dài.
Một trong lời khẳng định chắc nịch, rằng trầm cầm nó đến từ bên trong, nó nảy nở gặm nhấm mọi thứ mà ta có, nó không thoát ra, nó hành hạ như cái cách người trầm cảm nghĩ về cơn đau của mình. Trầm cảm nó lớn dần, bắt đầu đeo bám người ta thế nhưng, nhận thức về nó như một bệnh lý thì người Việt Nam chưa làm được điều đó, để nói điều trị tâm lý thì đa số sẽ nhận về ý kiến: “tốn thời gian, tốn kém”. Là cuộc hành trình không quá dài cũng không ngắn, nhưng nếu độc giả là người nhạy cảm thì hãy thử đọc ngắt quãng, bởi trầm cảm nó khiến các bệnh nhân không còn là một người bình thường được nữa, nó đau đớn thống khổ đến mức 6/12 nhân vật trong sách đã từng nghĩ và thử biến mất, muốn mau chóng rời khỏi nơi mà họ đang sống bởi thứ còn ở lại chỉ là cái xác trống không: “Người ta đưa mình vào lò thiêu, vâng, hãy đưa tôi đi, nhanh lên, xin các người. Nhưng chưa đâu, thằng khốn nạn canh lò đi vắng, nó đang bận uống rượu, thế là người ta quăng xác mình đó. Đám chuột chạy ngang qua, cắn vài miếng, ối đau quá. Lũ muỗi bâu vào, đám ruồi lúc nhúc, giòi bọ cắn bên trong, ngứa vô kể. Ối, em chưa chết đâu các anh ơi, em đang chịu đau, đang bị nhốt trong chính cơ thể mình, cùng cực cuộc đời đang ở đây” – Đại Dương Đen
Căn Bệnh Kính Vạn Hoa
Vì sao gọi là bệnh kính vạn hoa? “Ở người này, nó có thể vắng bóng cả vài thập kỷ, trong khi ở người kia, nó thường trực. Ở người này, nó gắn liền với một chấn thương lớn như mất mát người thân; ở người kia, nó xuất hiện mà chẳng cần lý do”. Về phần 2 cũng là phần cuối của Đại Dương Đen, tác giả đi sâu hơn về căn bệnh trầm cảm khi không quá hàn lâm và học thuật, không đến mức khó khăn trong việc tiếp nhận dù đã đưa vào những phân loại và tên khoa học. Trầm cảm có hình dáng ra sao? Ta phải làm gì để nhận ra nó? Phải đối diện và chữa trị như thế nào? Phải tìm đến y khoa hay tâm lý? Đúng với tiêu chí phổ biến đến mọi độc giả, tất tần tật về trầm cảm đều có ở đây.
Hai điều về trầm cảm chúng ta luôn phải cân nhắc cũng như nhận biết sớm: “Hiện nay, gánh nặng bệnh tật của trầm cảm đã trở nên lớn hơn của bệnh tim, viêm khớp hay của nhiều loại ung thư, và nó là thủ phạm gây khuyết tật lớn thứ hai trong tất cả các nguyên nhân.”
Và “Một mặt, nó gián tiếp giết người, qua việc làm tăng rủi ro dẫn tới các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch và đột quỵ. Trong các nhà dưỡng lão Mỹ, tỷ lệ tử vong của người mắc trầm cảm cao gấp bốn lần của nhóm còn lại. Mặt khác, nó trực tiếp gây chết người, thông qua tự sát.”
Hầu hết mọi người sẽ gộp chung trầm cảm chỉ là trải nghiệm quen thuộc của buồn bã hay chán nản, có thể là nhiều hơn chút, mạnh hơn chút và cùng lắm là kéo dài hơn chút mà thôi, nhưng để rõ hơn thì nó được hình dung ở mọi mặt (sinh học, tâm lý và xã hội). Nó làm méo mó cái nhìn về bản thân và về cuộc sống, “Người bệnh thấy mình vô dụng, vô giá trị, mọi thứ thì vô nghĩa, khiến họ không còn theo đuổi bất cứ mục đích hay mối quan tâm nào. Hoặc triệu chứng chính lại liên quan tới những biểu hiện thể chất như mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, tức ngực, đau bụng hay run tay”.
Để đọc giả có thể hình dung dễ dàng hơn, Thùy Dương đã nói về trầm cảm như thế này: “Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi ?” hay với Matthew Ratcliffe cho rằng “Sự khó khăn này nằm ở chỗ trầm cảm chuyên chở người bệnh tới một thế giới không còn gì chung với thế giới của những người còn lại, cũng là thế giới của chính họ trước kia”. Hãy tưởng tượng ta đang ở đây, trên mảnh đất này, nhưng tâm trí ta thì ở đâu, cơ thể thì không nghe lời, còn thân xác thì trống rỗng, mục ruỗng dần theo thời gian, thật đớn đau, thống khổ làm sao…
Tùy mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng sẽ có những biểu hiện khác nhau, đa số sẽ là biểu hiện trong cảm xúc (nhận thức, động lực,…) và trầm cảm chủ yếu ( là một dạng khác của Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, Trầm cảm dai dẳng,…)
Và để xác định ai đó có thật sự trầm cảm hay không? Chỉ cần có số ít triệu chứng như luôn cảm thấy buồn phiền, trống rỗng hay tuyệt vọng, và kéo dài trong 2 tuần thì trầm cảm ở mức độ nhẹ, có thể điều trị bằng tâm lý, vì những suy nghĩ quẩn quanh đó cần phải được tháo gỡ, cởi bỏ khuất mắc, như quyển sách về thôi miên lần trước mình có giới thiệu, là nhìn lại quá khứ và xem xem điều gì đã hình thành bản thân ta bây giờ. Còn mức độ trung bình nặng thì điều trị tâm lý và dùng thuốc theo pháp đồ là phương pháp duy nhất.
Mình hy vọng những người đang chiến đấu ngoài kia đều sẽ giống như Hằng:
“Cô đã đủ dũng cảm để đối mặt với chấn thương, để lên tiếng, chấm dứt sự im lặng và cuộc lẩn tránh kéo dài hai mươi năm”, “Cậu không làm gì sai cả, những chuyện xảy ra không phải là lỗi của cậu.” Cô hay tự nói trong lúc là quần áo hay nấu ăn. “Cậu không phải là người vô giá trị, cậu không cần phải rẻ rúng và đày đọa bản thân.”.
hay như Dương: “Chấp nhận các cảm xúc của mình, dù tích cực hay tiêu cực, cho phép mình có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, kết nối với thiên nhiên, dành thời gian cho bạn bè, thiến, bơi, đi dạo và ra khỏi nhà mỗi ngày.”
Khép lại Đại Dương Đen, nếu không phải nói là đau lòng khi được lắng nghe câu chuyện của các bệnh nhân, thì chi ít bản thân mình có chút khó khăn để đi cùng đoạn hành trình được tác giả viết lại thế này, nếu không phải là chúng ta thì những người ngoài kia, hẳn ai đó đang phải đấu tranh giành lấy sự sống, lần nữa kiểm soát lại cuộc đời mình với căn bệnh vô hình kia . Và liều thuốc để chiến đấu với nó ngoài sự mạnh mẽ cũng cần có sự hỗ trợ tâm lý chân thành, thấu cảm và quan tâm từ gia đình, mọi người xung quanh, mong rằng ngoài cơm áo gạo tiền, ai cũng có quyền được sống và làm việc như một người khỏe mạnh:
“Năm mới, nguyện làm một người bình thường, bình an.
Vững chãi, thảnh thơi.
Bất kể mình có hoàn thành được gì ngày hôm nay hay không, mình vẫn có giá trị, không ai có thể lấy nó ra khỏi mình.
Mình không phải kẻ thù của chính mình, mình xứng đáng được trân trọng và yêu thương” – Đại Dương Đen
Bạn muốn mua sách Đại Dương Đen Nhấn vào đây 👇👇👇
Review Sách Đại Dương Đen Review
Cảm ơn bạn đã đọc Review sách Đại Dương Đen tại Saysach.com.
Sách Nói Đại Dương Đen
Đại Dương Đen Đọc Online
Nhấn vào đây để đọc Đại Dương Đen Online
Đại Dương Đen PDF
Nhấn vào đây để tải Đại Dương Đen PDF
Eminönü’nde Tarihi Çeşmelerle Serinleme.