spot_img
Trang chủReview sáchKỹ năng sống Đừng chạy theo số đông - ĐIỀU MÀ CÁC REVIEWER KHÁC...

[Review sách] Đừng chạy theo số đông – ĐIỀU MÀ CÁC REVIEWER KHÁC KHÔNG NÓI

“Đừng Chạy Theo Số Đông” của tác giả Kiên Trần là một quyển sách hot vừa được nhà phát hành Saigonbooks mở bán hồi tháng 4/2020. Sau khi lướt qua một loạt các bài review quyển này trong các group sách, và một số bài review của những người nổi tiếng như anh Thái Phạm, chị Dương Thanh Tú (Alex Tu)… thì tôi thấy số đông khen ngợi quyển này hay. Vậy nên tôi quyết định thử bắt chước theo tinh thần của quyển sách: tôi viết một bài chê quyển này. Để khỏi mang tiếng CHẠY THEO SỐ ĐÔNG.

Quyển sách đã gây tranh cãi từ ngay cái tựa: Đừng Chạy Theo Số Đông. Chẳng lẽ “số đông” toàn làm sai, làm bậy? Còn làm khác với số đông là đúng sao? Theo tôi, tác giả chọn cái tựa sách như thế để đánh vào tâm lý của những bạn trẻ chưa trải đời nhiều, họ muốn thể hiện cá tính, muốn khác biệt, muốn gây chú ý.

Tôi nói trước là trong bài viết này bạn sẽ không thấy một lời khen nào dành cho quyển sách cả. Người ta đã khen về nó nhiều rồi, tôi có khen thêm thì cũng bằng thừa. Nếu muốn xem toàn những lời tán dương về nó, bạn có thể vào Tiki, kéo xuống xem phần comment của người mua, và thỏa sức đọc. Bởi hiện tại Tiki không duyệt những review chê cho những sản phẩm đang bán chạy.

Đa số chúng ta là những con người đi làm thuê, lãnh lương hàng tháng. Tác giả gọi những người này là “đàn kiến” và người chủ là “chủ trang trại”. Kiên Trần giải thích rằng sở dĩ họ trở thành “kiến” là bởi họ đã trải qua một nền giáo dục lỗi, bị truyền thông định hướng, bị số đông lôi kéo… (trang 28.) Anh kể ra trường hợp của cô Xuân làm ở Vietcombank: sau 7 năm đi làm, Xuân không cảm thấy hạnh phúc với con đường đã chọn.

Cô Xuân không hạnh phúc là chuyện riêng của cô Xuân, là cảm nhận của cá nhân Xuân. Xuân hoàn toàn có quyền nghỉ việc. Cớ sao tác giả lại gọi tiền lương mà Vietcombank trả cho Xuân hàng tháng là “khoản thù lao mua linh hồn”? (trang 30.) Nói vậy thì hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho Vietcombank đều đang bán linh hồn cả sao? Phía Vietcombank hoàn toàn có quyền đòi hỏi tác giả Kiên Trần một lời xin lỗi. Thậm chí tác giả còn mạnh miệng khẳng định:

Nhân viên ngân hàng, về bản chất là dân chạy bàn “cổ trắng”. Đừng để vẻ hào nhoáng bề ngoài của những tòa nhà và quần âu áo sơ vin đánh lừa bạn. Trong túi họ không có nhiều tiền. Trong túi ngân hàng cũng vậy. (Trang 45)

Cô bán trà đá trước cổng ngân hàng gần nhà mình có thu nhập cao hơn các nhân viên ngân hàng bảnh bao, học cao. (Trang 161)

Đọc sách mà tôi cứ tưởng mình đang nghe một đứa trẻ trâu nào đó lên giọng dạy đời bằng những thông tin vô căn cứ, không có số liệu chứng minh. Đồng thời tôi cũng đặt dấu hỏi về khâu biên tập bản thảo của Saigon books.

_____

Ở trang 39 có đoạn:

Vấn đề là bạn tưới sai cây. Bạn bận thật. Nhưng bận sai chỗ.

Bạn dành hơn nửa ngày của bạn. Nhìn xa hơn là nửa cuộc đời của bạn để tưới cây CỦA NGƯỜI KHÁC.

Bạn dành thời gian, sức lực, trí tuệ làm giàu cho doanh nghiệp của người ta. Không phải bạn.

Mỗi con người có một thế giới quan và những mục tiêu phấn đấu riêng. Mỗi người có quyền theo đuổi những giá trị mà họ tin rằng chúng sẽ mang lại cho mình niềm hạnh phúc, miễn là những giá trị ấy không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức là được. Tác giả Kiên Trần lấy quyền gì mà phán xét người ta đang tưới đúng cây hay “tưới sai cây”? (trang 39) Bận đúng chỗ hay “bận sai chỗ”? (trang 39) Sự nghiệp fake hay là sự nghiệp thật? (trang 116) Cái gì là “quan trọng” hay “không quan trọng” đối với mỗi người? Anh đang đem hệ quy chiếu của cá nhân mình áp đặt lên người khác. Người ta sinh ra đâu phải để sống theo những tiêu chuẩn của anh, hay hạnh phúc với những giá trị mà anh đang theo đuổi.

Tôi không biết tác giả có từng đi làm thuê hay chưa. Đối với tôi, mỗi công việc mà tôi từng làm qua đều là một sự tích lũy. Nếu không tích lũy tiền bạc, thì cũng làm giàu thêm vốn sống cho mình. Thậm chí là đi cho tiền giúp đỡ người khác mà tôi vẫn rút ra được những bài học đáng suy ngẫm.

Tác giả đã gieo vào đầu người đọc cái suy nghĩ: người chủ doanh nghiệp là kẻ bóc lột sức lao động của nhân viên, lừa mị nhân viên, coi nhân viên như những con cừu dễ lợi dụng. Trang 105 có đoạn:

Chủ trang trại vô cùng hùng mạnh và đã nắm toàn bộ cơ chế tuyên truyền, giáo dục, quảng cáo tiêu dùng chỉ để nhân viên mãi là nhân viên.

Đây là một sự xuyên tạc trắng trợn mà không hề có một số liệu dẫn chứng nào để chứng minh cả.

Ở chương 5, trang 44 có đoạn:

Vấn đề ở đây là chúng ta DÀNH PHẦN LỚN CUỘC ĐỜI cày cấy cho trang trại nhà người khác và BỎ QUA trang trại nhà mình.

Thậm chí chúng ta còn TỰ HÀO vì được trở thành người cày. Đây là vấn đề.

Đừng bán linh hồn cho quỷ dữ.

Trang 46 có đoạn:

Quỹ dữ – chủ trang trại – tất nhiên sẽ có chính sách ưu đãi để thuyết phục đàn kiến tiếp tục bán linh hồn cho mình vĩnh viễn.

Lương tháng thực sự là thứ gây nghiện.

Kiên Trần đã gọi việc làm công ăn lương là “bán linh hồn”, rồi lại gọi chủ doanh nghiệp là “quỷ dữ”. Chưa hết, anh còn xem lương tháng là chất gây nghiện, và tỷ phú là kẻ “bán chất gây nghiện”:

Tỷ phú (bên A) bán chất gây nghiện (lương tháng) đổi lấy thời gian. Tỷ phú giàu lên và giải phóng được thời gian cho chính bản thân.

Bạn được trao chất gây nghiện, đủ ăn. Được “tự do” trong sự “tự hào” vì được làm trong trang trại lớn. Và trao trọn thời gian hữu hạn, linh hồn, sức trẻ cho trang trại đó. (trang 51)

Hóa ra bấy lâu nay anh Kiên xem bao nhiêu người làm công ăn lương (trong đó có tôi) là những con nghiện? Để “cai nghiện” có lẽ là chúng tôi bỏ việc về nằm nhà, sáng nhặt lá, trưa đá ống bơ chăng? Kiểu so sánh ví von gì mà kỳ cục thế này? Đây là một sự xúc phạm đối với độc giả lẫn chủ doanh nghiệp. Người ta lập ra doanh nghiệp, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đất nước, giúp kinh tế nước nhà phát triển… thì bị anh quy kết là “bán chất gây nghiện”. 

Ở trang 153, tác giả Kiên Trần còn “hù dọa” người lao động bằng những khẳng định xằng bậy:

“Lương tháng” là một phát minh thiên tài của hệ thống trang trại. Nó sinh ra chỉ với mục đích duy nhất là biến bạn thành nô lệ cho trang trại suốt đời.

Trời ạ! Ai mà dám duyệt cho cái thứ “loạn ngôn” này xuất bản thì đúng là gan cùng mình.

Trang 50 có đoạn:

Nói cách khác, phần lớn chúng ta bán thời gian (hữu hạn) để mua tiền (dồi dào).

Các tỷ phú nghĩ gì?

Họ cho rằng đây là một cuộc trao đổi ngốc nghếch.

Tôi cho rằng chả có ông tỷ phú nào nói với Kiên Trần cái ý nghĩ đó cả, chỉ là Kiên Trần đã đem chữ nhét vào mồm “các tỷ phú” để chửi người khác là “ngốc” mà thôi. Nếu có, xin anh hãy dẫn chứng ra là những vị nào.

Điều buồn cười nhất là: Kiên Trần khuyên chúng ta trở thành chủ doanh nghiệp (“chủ trang trại”), nghĩa là trở thành kiểu người mà ban đầu anh gọi là “quỷ dữ”. Ngạc nhiên chưa! Trang 103 có đoạn:

Dù thế nào đi nữa, hướng đi của bạn cần chuyển từ cày cấy cho trang trại không phải của mình sang trang trại của mình. Hoặc mua trang trại để làm chủ rồi có người khác cày cho mình (mua cổ phần công ty).

Dám hỏi anh Kiên Trần:

Hiện giờ anh đang là “kiến” hay là “quỷ” vậy?

Anh đang là “con nghiện” hay là “kẻ bán chất gây nghiện”?

Trang 77 có đoạn:

Bạn cần exit tầng lớp lao động và gia nhập tầng lớp địa chủ.

Tôi khẳng định 100% là khâu biên tập quyển sách này có vấn đề. Sao lại để cho một động từ tiếng Anh chen giữa vào câu văn tiếng Việt thế kia? Quyển từ điển tiếng Việt hoàn toàn có đủ từ ngữ thể Việt hóa cái động từ này mà.

Trang 117 có đoạn:

“Đi làm” nói chính xác hơn là “đi cày”. Số đông tung hô những từ như “đi làm”, “có công việc ổn định”, “có sự nghiệp”. Mình lại cực kỳ dị ứng với những từ này. Và bạn thấy mình không “dị ứng” một cách không có lý do. Mình dành cả cuốn sách để giải thích cho bạn mọi góc cạnh về việc nó gây dị ứng như thế nào. Và bạn cần tránh hệ tư duy số đông tiêm nhiễm vào đầu bạn như thế nào.

Sở dĩ tác giả bị dị ứng vì chưa biết cách tôn trọng những giá trị sống của người khác mà thôi. Anh Kiên không cần thiết phải dành cả một quyển sách 400 trang để giải thích cho “cơn dị ứng” của mình đâu ạ.

____

Chương 9 là một chương đưa ra lời khuyên nguy hiểm về đạo đức nghề nghiệp. Trang 66 có đoạn sau:

Công việc có vớ vẩn bao nhiêu, thấp kém, không có bằng cấp bao nhiêu, nhưng nếu thị trường under-served (chưa được khai thác), bạn cũng trở thành kingpin – người quan trọng!

Đừng trân trọng lao động . Đừng trân trọng học vị, học hàm.

Hãy trân trọng thị trường.

Đọc lời khuyên này tôi không khỏi liên hệ đến thực trạng hiện nay: thị trường luyện thi IELTS ở Việt Nam đúng là đang béo bở. Bao nhiêu thầy cô luyện thi IELTS vừa bị phát hiện làm giả bảng điểm IELTS, thậm chí có thầy chưa từng thi IELTS bao giờ mà vẫn quảng cáo mình thi IELTS được 8-9 chấm! Họ cần gì phải lao động trí óc để lấy cho được cái bằng IELTS điểm cao, họ cũng chả coi trọng giá trị của tấm bảng điểm IELTS để mà nỗ lực phấn đấu. Họ chỉ cần thuê người photoshop cái bảng điểm, rồi đi dạy. Một kẻ làm giả bảng điểm IELTS mà lại dạy người khác thi IELTS thì đúng là chuyện “vớ vẩn”, nó chẳng phải là công việc cao quý, thậm chí còn thấp kém về mặt đạo đức… Nhưng nhờ họ biết nắm bắt thị trường nên họ trở thành “kingpin”, họ thu hút được rất nhiều học viên, họ hốt được khối tiền từ việc bán những quyển sách luyện thi kém chất lượng… cho đến khi họ bị phát giác.

Tôi cho rằng chỉ có những kẻ lừa đảo, muốn làm ít ăn nhiều, thích hưởng thụ, làm ăn chụp giật thì mới có cái tư tưởng không trân trọng giá trị của lao động, họ lợi dụng lúc thị trường đang trong cơn khát để cung cấp những sản phẩm – dịch vụ kém chất lượng.

_____

Trang 87 có đoạn:

Kiến thức học đường là MỘT DẠNG KINH DOANH ĐA CẤP.

Khi thu nhập của giáo viên không đủ ăn, việc thần thánh hóa kiến thức học đường và các kỳ thi là cần thiết để họ tồn tại. Nạn học thêm được sinh ra một cách không cần thiết.

Tôi đã phải lên trang google tìm hiểu xem “KINH DOANH ĐA CẤP” là gì để giải nghĩa câu đầu, mà tra mãi tôi cũng không hiểu ý nghĩa của cả câu. Có lẽ Kiên Trần muốn nói kiến thức học đường là một cái gì đó tiêu cực chăng?

Tác giả cho rằng thu nhập của giáo viên không đủ ăn nên mới sinh ra nạn dạy thêm. Vậy lương giáo viên bao nhiêu mới đủ ăn, mới chấm dứt được nạn dạy thêm và nhu cầu học thêm hả anh Kiên? Toàn là những lý giải và kết luận vô căn cứ.

____

Trang 91 có đoạn:

“Trường học” vẫn là một nơi bất cập với mục đích chính không phải là để khai phóng mà để cầm tù và tạo ra những con kiến trung thành, tận tâm và ngoan ngoãn. Bạn cũng phải hy sinh quá nhiều để trở thành kiến.

Theo tôi hiểu thì đoạn này Kiên Trần cho rằng chính phủ (cụ thể là ngành giáo dục) đã bắt tay với “quỷ dữ” (chủ doanh nghiệp) để mị dân, vi phạm nhân quyền (“cầm tù”)… Tất nhiên, cái ý tưởng phản động này Kiên Trần cũng chỉ viết theo cảm tính. Chả có chứng minh gì đâu.

___

Trang 98 có đoạn:

Chắc bạn có nghe câu nói quen thuộc “Đi học quan trọng nhất là phải tự học”.

Đã bao giờ bạn hỏi lại: “Nếu tự học là quan trọng nhất rồi thì đi học để làm cái quái gì?”

Bạn thử nghĩ mà xem.

“Đi học quan trọng nhất là phải tự học” là một câu nói mâu thuẫn.

Tôi thấy cái câu “Đi học quan trọng nhất là phải tự học”chả có gì là mâu thuẫn cả. Ngày xưa tôi đi học, ban ngày tôi tới lớp chép bài, nghe thầy cô giảng. Ban đêm tôi ngồi nhà giải bài tập và học bài đến khuya. Đó không phải là tự học thì là gì? Có mấy đứa bạn tinh thần tự học kém, thích chơi bời lêu lổng, sắp tới kỳ kiểm tra hay thi là chúng nó chạy sang tôi mượn tập vở đem photo về học. Học theo kiểu chờ nước đến chân mới nhảy như thế thì chắc chắn là không giỏi được.

Câu lập luận của Kiên Trần ở đây là “Nếu tự học là quan trọng nhất rồi thì đi học để làm cái quái gì?” Đây là kiểu ngụy biện bằng cách đánh tráo khái niệm. Tinh thần “tự học” và việc “đi học” là hai khái niệm không đồng nghĩa với nhau nên không thể thay thế cho nhau được. “Tự học” đâu phải là tất cả. Ngày xưa nhận thức của chúng tôi còn non nớt lắm, chứ không tự thông minh đĩnh ngộ như anh Kiên Trần. Tôi không ngồi nhà tự học mãi được đâu. Tục ngữ có câu “Không thầy đó mày làm nên.” Nếu không có thầy cô dạy cho tôi biết mình cần phải học đến đâu, học cái gì, cái gì là tốt nên học, cái gì là xấu nên tránh xa, cái gì là gian dối nên tẩy chay, cái gì là đúng đắn nên cổ xúy… thì bây giờ tôi đâu có ngồi đây để phân tích những quan điểm lệch lạc, ngụy biện, áp đặt của anh Kiên Trần.

_____

Trang 128 có đoạn:

Và cái khiến mình không hài lòng đó là văn hóa “đánh đổi”, “chấp nhận hi sinh” cổ vũ bởi truyền thông và những người nhóm 1.

Số ít có được mọi thứ: sức khỏe, tiền bạc, mối quan hệ, thời gian, sự sáng tạo, đam mê, giấc ngủ.

Tôi không đồng ý với quan điểm trên. Tôi cho rằng chúng ta luôn bị giới hạn bởi thời gian và nguồn lực. Nếu bạn tiến ở mặt này, bạn sẽ lùi ở mặt kia. Mỗi thành tựu chúng ta đạt được luôn bắt nguồn từ sự lựa chọn, hy sinh và đánh đổi (thời gian, tiền bạc, sở thích cá nhân, các giá trị sống…) Đó chính là sự không hoàn mỹ của cuộc sống. Hãy cảnh giác với những kẻ hứa hẹn sẽ giúp bạn có được mọi thứ. Nếu bạn đã từng tham gia các buổi hội thảo bán hàng đa cấp, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều “bậc thầy” lừa đảo đã từng hứa hẹn với con mồi như thế. Họ hứa hẹn mang đến cho chúng ta sự hoàn hảo trong một thế giới chẳng có gì là hoàn hảo.

_____

Trang số 132 có đoạn:

Có lẽ các buổi “học” chính trị, cảm tình mà cô đã theo học trong suốt bao nhiêu năm qua thật sự phát huy tác dụng. Nó khiến cô không còn sống cuộc đời của cô nữa mà sống cuộc đời của người khác với một niềm tự hào. Cô đã “quên” chính mình từ rất lâu rồi.

Trang số 156 có đoạn:

Người cô làm ở ủy ban phường thuộc nhóm 2 mà mình vừa kể với các bạn sẽ sống với những lời dối trá và ảo giác đến hết cuộc đời. Cô sẽ không bao giờ biết sự thật chỉ đơn giản bởi cô không muốn biết. Kể cả có muốn biết cũng không muốn tin.

Theo tôi hiểu thì hai đoạn trên tác giả Kiên Trần cho rằng những buổi học chính trị, cảm tình Đoàn, cảm tình Đảng đã khiến cho người cô của anh nhận thức sai về cuộc đời, và đánh mất cả cuộc đời. Một lần nữa Kiên Trần lại đem quan điểm của cá nhân mình áp đặt lên giá trị sống của người khác. Đồng thời quan điểm này cũng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đoàn Thanh Niên và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nếu người ta lỡ tin theo Kiên Trần thì liệu còn ai muốn đi học chính trị, cảm tình Đoàn, cảm tình Đảng? Và ai còn tin vào Đảng nữa nhỉ?

_____

Trang 148 có đoạn:

Con cái lớn có gia đình, “thành đạt”, coi bố mẹ già như cái gai trong mắt suốt ngày ốm đau phải thăm hỏi chăm sóc. Gửi cha mẹ vào trại dưỡng lão cho người khác lo hộ vì mình phải “bận làm ăn không có thời gian chăm sóc”. Và cũng vì nó là bình thường khi mà ai cũng làm vậy.

“Đây là một sự hi sinh” – số đông dõng dạc nói.

Một lần nữa, tác giả Kiên Trần lại đặt điều vu khống, hết nhét chữ vào mồm các tỷ phú thì bây giờ tác giả lại nhét chữ vào mồm “số đông”. Biến số đông trở thành đám người bất hiếu, vô đạo đức, “coi bố mẹ già như cái gai trong mắt”. Anh bịa chuyện số đông “gửi cha mẹ vào trại dưỡng lão”. Nếu anh Kiên Trần có số liệu dẫn chứng thì đưa ra đây, chứ đừng nói suông như ngồi vỉa hè chém gió rồi đem in thành sách bán cho người ta đọc. Phí cả tiền mua sách.

____

Trang 154 có đoạn:

Một đứa trẻ sinh ra như một tờ giấy trắng và liên tục tò mò thế giới xung quanh. Nếu như không có trường học can thiệp, ép buộc cuộc đời nó vào một cái khuôn 12 năm “chính thống”. Nếu như không có xã hội tạo ra những quy tắc luật lệ, và đứa trẻ học được sự luồn lách, dối trá, đánh mất chính mình chỉ để sinh tồn. Nếu như không có số đông truyền kinh nghiệm, có lẽ nó đã được một lần là chính nó.

Nếu một đứa trẻ sinh ra mà không đi học, không học theo những quy tắc luật lệ xã hội thì nó sẽ trở thành một kẻ nửa người nửa ngợm, và cư xử theo luật rừng đấy anh Kiên ạ. Anh hạ thấp vai trò của trường học, của luật lệ xã hội với mục đích tạo ra một xã hội người rừng đấy à? Chưa hết, ở trang 206 có đoạn:

Dành 12 năm học phổ thông mới là lãng phí và lâu.

Dành 12 năm đọc sách chậm mới là xứng đáng và chuẩn.

Không phải tấ cả những gì sách viết cũng đều đúng. Tội cho em nhỏ nào nhận thức chưa vững, tư duy phản biện chưa có mà đọc phải quyển sách này của anh Kiên thì có mà…

____

Trang 178 có đoạn:

Thông minh chỉ là khả năng thu thập thông tin.

Đọc đến đây buộc tôi phải lên mạng tìm lại bài viết về 9 loại hình thông minh của nhà tâm lý học Howard Gardener để xác thực xem có đúng là Kiên Trần vừa “phát minh” ra thêm một loại hình thông minh mới hay không? Và đúng như thế thật! Rồi tác giả còn hạ thấp giá trị của những người thông minh bằng những kết luận chủ quan:

Càng học chuyên, chúng ta càng nghĩ chúng ta đang ở trên đỉnh và là con người thông minh. Nhưng bạn có để ý rất nhiều người thông minh có một lối sống rất tệ hoặc quyết định sai hết lần này đến lần khác? Có những người thông minh nhưng lại không thật sự trưởng thành. (Trang 178)

____

Trang 264 có đoạn:

Một chủ nhà hàng sẽ nghĩ gì khi nhân viên chạy bàn “đam mê” việc chạy bàn?

Tương tự, khó nhìn hơn nhiều, một tổng giám đốc công ty sẽ nghĩ gì khi nhân viên văn phòng của họ đam mê công việc, quên hết mọi thứ, ngày ngày đắm mình trong những bảng, số liệu trên máy tính một cách đam mê?

Họ sẽ vui – tất nhiên. Bạn đang tưới cây cho họ. Nhưng mặt khác họ sẽ thấy tội nghiệp cho bạn.

Họ sẽ nghĩ: Ước gì những nhân viên kia được sống thử cuộc đời giống mình một lần. Có lẽ tất cả sẽ xin nghỉ việc hết.

“A taste of freedom can make you unemployable – Nếm thử mùi vị của tự do có thể khiến bạn không còn muốn làm nhân viên nữa.” – Naval Ravikant

Tôi nghĩ có lẽ anh Kiên Trần này chưa bao giờ thật sự làm chủ một doanh nghiệp cả! Vì anh không hiểu được cái áp lực trong việc làm chủ nó khủng khiếp như nào. Không phải việc gì cũng: thuê người làm, thuê người làm, thuê người làm… là được đâu. Mà không phải cứ thuê được người là dư ra thời gian rảnh để ngồi gác chân hưởng thụ thành quả từ “đàn kiến” đâu. Tôi đã từng làm chủ và từng bị phá sản. Tôi nhận ra sống kiếp nhân viên sung sướng và nhẹ gánh hơn nhiều. Tôi thấy anh Kiên rất giỏi ngồi tưởng tượng và mơ mộng về khoản khởi nghiệp. Đọc những câu chuyện anh kể như: cô Xuân khởi nghiệp làm chủ phòng gym (trang 357), cô Hạ khởi nghiệp trở thành chủ một kênh Youtube triệu subscribers (trang 359)… tôi thấy chúng đậm chất ngôn tình! Ảo tưởng không hẳn là một cái tội, nhưng cái tội nặng là khiến cho bao nhiêu người khác cũng ảo tưởng giống mình.

Quyển sách này còn nhiều điều phải bàn lắm, nhưng bài viết đến đây cũng đã quá dài. Nhận xét chung của tôi về quyển sách như sau: rất nhiều quan điểm, tư tưởng trong quyển sách này hết sức lệch lạc, chủ quan, áp đặt, phiến diện, cực đoan, thậm chí là mâu thuẫn nhau… Và nhất là cực kỳ thiếu những số liệu dẫn chứng đáng tin cậy.

Ngay bìa sách có dòng chữ “Cuốn sách cần đọc trước khi quá muộn”. Sau khi đọc xong quyển sách, tôi cảm thấy mình cũng có trách nhiệm viết bài cảnh báo độc giả trước khi QUÁ MUỘN: mua sách xong thì miễn trả lại.

Trong sách có rất nhiều đoạn được ghi trích dẫn là “Facebook Kien Tran”. Tôi không lạ gì chiêu thu hút followers này. Nhưng khi tôi search tên tác giả trên thanh tìm kiếm của facebook thì tìm mãi không thấy facebook của tác giả đâu?! Thì ra anh đã khóa facebook! Thay vào đó tôi thấy một đống phốt! Có hẳn một cái group nạn nhân Kiên Trần.

Trước đây tôi có đọc quyển “Chuyến Tàu Một Chiều Không Trở Lại” của tác giả Kiên Trần. Trong đó có một bài viết cổ xúy cho lối sống vô chính phủ (trang số 211). Theo tôi biết thì Kiên Trần hiện nay đang sống ở Canada. Một người đang sống tại hải ngoại lại đi truyền bá thứ tư tưởng vô chính phủ về Việt Nam nhằm mục đích gì? Có một blogger nổi tiếng trên facebook đã viết bài đề nghị thu hồi và tiêu hủy quyển sách này vì có chứa nội dung độc hại.

Tôi cho rằng khi đọc sách mà tin hoàn toàn theo sách thì tốt nhất đừng đọc. Mỗi độc giả nên trang bị cho mình một bộ óc hoài nghi và tư duy phản biện để tránh bị mấy ông bà tác giả dắt mũi, thổi fame cho nhau. Không phải cái gì được duyệt cho xuất bản thì cũng được “kiểm dịch” an toàn. Không phải người nổi tiếng khen hay thì hay thật sự.

Theo kinh nghiệm của tôi, đánh giá một quyển sách selfhelp không phải chỉ đánh giá qua nội dung hay ho, cách viết cuốn hút, mà còn phải quan tâm đến số liệu dẫn chứng, nguồn thông tin. Thậm chí là xét đến đạo đức, sự nghiệp và thành tựu của người đã viết ra nó nữa: cách họ làm giàu, cách họ vươn lên, cách họ thành công, cách họ vực dậy từ thất bại… Bởi chính tác giả còn không ứng dụng được những điều mà mình viết ra thì những lời khuyên của họ chỉ là lời nói sáo rỗng hoặc cóp nhặt từ một nguồn nào đó mà thôi.

Cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc một bài viết đi ngược với số đông như thế này!

Reviewer: Camomile Phan

REVIEW LIÊN QUAN

103 BÌNH LUẬN

  1. Đúng vậy. Ko phải lúc nào suy nghĩ của số đông cũng đúng. Tất cả những thứ bạn đc dạy được nghe chưa chắc đã là đúng và chân lý. Đặc biệt ở VN thì điều đó càng đúng. Hãy thức tỉnh càng sớm càng tốt.

  2. Sau khi Kiên Trần lộ phốt fake điểm IELTS thì cuối cùng mình cũng thấy có nhiều người có cùng suy nghĩ với mình về sách của Kiên Trần. Trước đó chỉ thấy tung hô như thánh vậy

  3. Đã đọc hết, bài khá dài nhưng chi tiết cụ thể, đồng quan điểm những đoạn bạn nêu, mình chưa đọc quyển này nên ko có đánh giá khác, cũng ko có ý định đọc. Cậu Kiên Trần này hình như có tin fake điểm thi ielts thì phải?

  4. Nói trắng là 1 cuốn selfhelp vớ vẩn. Viết toàn mấy thứ dễ đọc đễ hiểu phù hợp cho những người ít kinh nghiệm. Gọi người làm công ăn luong là kiến, chủ doanh nghiệp là quỷ bán thuốc nghiện xong kêu gọi “kiến” phải trở thành “quỷ”. Chắc ai đọc tưởng rằng thg Kiên Trần viết vậy chừa mình ra.

  5. Vô cùng đồng ý với reviewer! Thực sự cũng có chút hứng thú vì mình cũng bị thu hút ở tư tưởng số ít, nhưng thực sự đọc mấy trang đầu thấy tư tưởng tác giả khá thiển cận!

  6. Em thật sự đồng ý với ý kiến là người đọc cần trang bị khả năng đặt thật nhiều câu hỏi khi đọc sách chứ không phải cái gì cũng nghe theo thì nó rất cảm tính. Các câu hỏi em thường đặt rất đơn giản: có số liệu nào chứng minh cho câu nói tác giả vừa đưa ra không, số liệu đó hay câu nói đó được trích hay đặt trong hoàn cảnh nào, đã đủ bao quát chưa, vv.

  7. Khi đọc văn của anh này, mình không đồng tình ở nhiều điểm. Mình thấy cái sự gồng và mạn, hơi quá khích. Nhưng hai người giỏi mà mình biết lại rất cảm hứng với anh này. Có thể có những điều mình cần nhìn nhận lại. Ở hiện tại thì KT không gây nhiều cảm hứng cho lắm.

  8. Mình gần đây rất ủng hộ tác giả Việt, viết sách, chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn… Như cô Nguyễn Phi Vân, thầy Giản Tư Trung, Đặng Hoàng Giang hay gần đây là thầy Trương Nguyện Thành… Họ cho thấy các góc nhìn khác nhau nhưng đều cho lớp trẻ một tư tưởng, một mục tiêu. Gần đây sách dạy làm giàu, làm khôn của các tác giả trẻ ít được kiểm duyệt hay đánh giá phản biện, nên cứ xuất bản ào ào. Tạo nên mớ hổn độn selfhelp, dễ gây tẩu hỏa nhập ma cho giới trẻ. Ít ra, cần có sự định hướng và sàng lọc ngay từ khâu kiểm duyệt.

  9. Thật là kệch, nhìn trang bìa có cảm giác như một loại self-help đề cao bản sắc nhưng bản chất là hà hơi chà đạp con người, tác giả nghĩ vậy là hay. Sách độc.

  10. Qua sự việc của Kiên Trần thì mình say goodbye với mấy kiểu sách selfhelp luôn ,lừa đảo mà đi viết sách nói đạo lý. Không biết đằng sau những cuốn selfhelp được viết bởi người như nào nữa. Tốt nhất nên đọc ít lại để bớt ngộ độc sự ảo tưởng ạ

  11. Uii cuối cùng em cũng tìm được người đồng quan điểm với em. Đọc mà chỉ thấy dọng văn cực kì ngạo mạn, nhưng kh hiểu sao ai cũng khen hay.

  12. Ông này lộ điểm giả IELTS dắt mũi bn người qa bấy nhiêu năm mà 🙂 đòi bảng điểm thật thì lên fb lái lụa sang chuyện chẳng liên quan, vòng vo xong bị chửi quá thì xlỗi qua loa, vậy mà đợt đó còn nhiều người vào bênh được, lừa 1 cú lớn ơi là lớn.

  13. Cảm ơn chủ thớt. Mình đồng ý 2 vấn đề: 1/ Tiki không duyệt những review chê cho những sản phẩm đang bán chạy. Có lần mình đã thử review cho sách chưa mua, nếu nhận xét là tốt, hay thì tiki nó đăng ngay, còn nhận xét không tốt, chê thì nó nói nhận xét không phù hợp??!!! 2/ tác giả kiên trần và sản phẩm của người này có vấn đề, ý kiến thì chủ quan, ví dụ, dẫn chứng không thuyết phục, chỉ nói chung chung hoặc là lôi ra vài trường hợp; đôi khi quá khích và hơi hướng kích động, tiêu cực.

  14. Chủ thớt seeding giúp tác giả và cty xb bán sách ah. Từ bóc phốt trở thành KOL cách nhau 1 lóng tay. Anw đọc review xong nhiều người vẫn mua sách. Chủ của Saigonbooks là một chú rất kinh nghiệm, họ biết tận dụng triệt để hot search để bán quyển này trong scandal luôn.

  15. Bài review hay quá, để khen người khác thì dễ, nhưng để chê mà lại hợp tình hợp lý thì thực sự ko phải dễ. Bài review có đưa trích đoạn và phân tích cho từng trích đoạn để ng đọc tự kiểm chứng và có những ý kiến đánh giá riêng. Nếu đọc sách mà tin sách 100% thì thà không đọc.

  16. Tựa thì hot đó. Đây là quan điểm lâu nay của người phương Tây rồi. Chỉ cần bạn là chính mình không cần phải giống ai hết.Nhưng số đông cũng không phải là sai: ví dụ qui tắc đồng thuận trong blockchain hay đơn giản là bỏ phiếu, bầu cử. Số đông thể hiện cho ý chí của nhiều người nhất. Tuy nhiên nó phải dựa trên quan điểm và cảm nhận của chính mình. Thời điểm này có nhiều tác giả VN viết sách, đó là một dấu hiệu tốt. Nhưng thực sự mình chưa cảm nhận được cái tầm của tác giả khi trình bày một quyển sách. Nếu phải học một ai đó, một cái gì đó; sao không học từ người giỏi nhất?

  17. Sách nó viết cũng có nhiều điểm đúng mà . Chuyện gì ra chuyện đó ko thể phủ nhận những mặt đúng của sách được, các bạn lôi chuyện ielts fake của ngta ra mình chẳng thấy lquan gì.

  18. Nghe tên sách tưởng tác giả khuyên mọi người nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, không nên ngay lập tức hùa theo số đông, như việc lao vào chỉ trích ai đó, hoặc mua 1 món hàng hot,…nhưng không ngờ tác giả lôi hẳn 2 việc “số đông” nhất thế giới là đi học và đi làm để bảo người ta đi ngược lại thì chất quá rồi.

  19. Mình thấy mỗi người đọc nên có chính kiến riêng của mình. 🙂 Cái nào thấy hợp với bản thân mình thì áp dụng không thì bỏ qua! Anway, cảm ơn chủ thớt đọc sách bao có tâm, viết cũng có tâm nữa. Thấy bạn nên review nhiều sách hơn ạ. Hóng những bài review khác từ bạn.

  20. Bác viết như thế này không khác gì Marketing để sách bán được chạy hơn. Haha Nói chung quyển này hay với những ai đủ trải nghiệm. Còn các bạn trẻ tuổi nên cống hiến, bán sức lao động để nếm trải thực tế trước đã. Khách quan thì Kiên Trần tư duy tầng khá sâu, không còn hời hợt nên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều là đương nhiên

  21. Đọc sách cũng phải có kiến thức nền bạn à, đây là cuốn sách về đường dài, về chiến lược trong cuộc sống mà bạn cứ soi mói từng câu chữ, đặt nặng tiểu tiết thì tôi chắc tư duy về cuộc sống của bạn nó cũng nhỏ mọn như vậy thôi. Đồng ý rằng Kiên Trần có cách viết rất đề cao cái tôi, khá kiêu ngạo. Nhưng nếu bạn có tư duy tốt thì sẽ hiểu vì sao anh ta không thích trường lớp: vì người ta đủ kiến thức nền để tự đọc, tự học. Đấy chỉ là 1 khía cạnh nhỏ để nói lên rằng nếu chưa đủ tầm để đọc thì sẽ ko hiểu cuốn sách này. Rõ ràng ngay từ tựa đề sách đã chỉ ra rằng, ai thích an phận hoặc ko muốn nhưng ko đủ khả năng để làm chủ thì đừng đọc hoặc đọc để cho vui. Cuốn sách phơi bày 1 sự thật rõ ràng nhưng lại mất lòng những con người thuộc về số đông.

  22. Nghe giống tư tưởng của các mác r còn gì nữa. Chỉ khác mác nhận ra rằng không dễ dàng để những con “cừu” trở thành “quỷ dữ” nên ông tìm cách cho những con “quỷ” không thể bóc lột “giá trị thặng dư” được nữa. Với lại trang 132 với 156 bố ý nghe ai bảo mà nói đúng mẹ r nhé :)))

  23. Mình từng là fan của KT mấy năm trc, có addfriend nói chuyện đàng hoàng, không ngờ anh lại đi fake điểm IELTS, fake công việc, fake bảng lương để viết sách, dùng uy tín để bán bột amla không có hạn sử dụng,… Tóm lại là thất vọng ☹️

  24. Á ha ha 😄😄😄Đọc review Xong Chán luôn 🙁iChủ do anh nghiệp Quỷ dữ Tỷ phú Bán chất gây nghiện 👌👌 Người làm Thuê Nghiện Tiền 🤑🤑Ii Bán thời gian công sức 😆😆

  25. Tác giả fake bảng điểm IELTS để bán sách, bán bột giả kém chất lượng, sau khi bị khui fake bảng điểm thì viết 3 bài dài như 3 cái sớ trên fb kể lể lọ chai thề ko dùng mxh nữa, sau đc 3 ngày lại mò lên lần này là chê bôi người VN 😂

  26. Thái Phạm khen sách này hay và đáng mua vì lúc trước Kien Tran đã pr dùm sách của Thái Phạm rồi hihi khen qua khen lại ko biết có đọc thiệt ko 🤷🏻‍♀️

  27. Trước cũng khá ngưỡng mộ Kien Tran vì đôi lúc có những bài viết cũng chất lượng, đáng tham khảo nhưng sau khi vụ IELTS nổ ra. Sách mình ra thì Đừng Chạy Theo Số Đông còn lúc nhận sai thì lại bảo: Khi bạn trách tôi có chắc bạn hoàn toàn trong sạch, vậy chả lẽ đám đông như nào mình cũng như vậy 😂

  28. Bạn này rảnh thực sự. Đấu tố bạn KT từ các hội nhóm ielts đến hội sách. Ielts làm giả thì đúng là sai rồi, và đó cũng là 1 bài học để đời cho bạn ấy, nhưng một cuốn sách không khác gì một tư tưởng, có thể sai với người này hữu ích với người khác, đúng thời điểm này mà sai ở thời điểm khác – tự mỗi người đọc sẽ đưa ra ý chủ quan của mình cho một cuốn sách. Sách này là loại sách đưa quan điểm cá nhân thôi, nó k phải sgk mà phải đúng 100%. Mình thấy bạn đang vạch lá tìm sâu, mang yếu tố muốn công kích cá nhân nhiều hơn là thành ý muốn review sách cho người đọc. Mình cần sự review trên khía cạnh công tâm và đánh giá khách quan một cuốn sách hơn là công kích cá nhân. Hội sách hữu ích là vậy, vì người đọc sách không khác gì đang đãi cát tìm vàng cho chính mình, đọc nhiều review chỉ để rút ngắn thời gian định vị kiến thức mình cần đang ở chỗ nào để khỏi đãi cả dòng sông mới ra được 1 nhúm vàng. Cám ơn!

  29. Có bạn nói người review sách rảnh rỗi hay công kích cá nhân….. Mình thì thấy bạn này đã đưa ra quan điểm, và đưa ra phản biện để chứng minh cho quan điểm của bạn ấy về cuốn sách rất rõ ràng. Review là do cảm nhận, mỗi người có thể mỗi khác, vậy tại sao lại quay ra công kích người review khi họ đưa ra cảm nhận của họ . Nếu cho rằng review phiến diện hay không công tâm thì nên chỉ ra chỗ nào phiến diện, chỗ, nào không công tâm thay vì công kích cá nhân.
    Chỉ vì bạn ấy đi bóc KT trên các group mà bạn ấy không thể review sách của KT một cách khách quan sao ???
    Cá nhân mình là người đã đọc nhưng không thể đọc hết cuốn sách. Có thể hợp với nhiều người, nhưng mình thì không :/

  30. Quan điểm quyết định tư tưởng, tư tưởng quyết định suy nghĩ, suy nghĩ quyết định hành động. Quan điểm của một người xem lao động (mù quáng) là vinh quang và một người xem lao động (mù quáng) là ngu ngốc chắc chắn sẽ khác nhau. Ấy là còn chưa kể đến quan điểm chính trị, môi trường sống, mục đích sống, phong cách sống, đặc thù ngành nghề… bởi vậy xin đừng dùng góc nhìn của mình mà phán xét cho một vấn đề nào đó nếu ta chưa xem xét hết tất cả mọi khía cạnh vấn đề.Mình xin trích một câu trong game Assassins Creed Nothing is true, Everything is permitted”.

  31. Cá nhân mình thấy người review vừa nói vừa dẫn chứng, mỗi câu nói trong sách đều được phản biện lại, như vậy đâu có gì là công kích cá nhân trong khi người đọc sách hoàn toàn có thể nói lên suy nghĩ của mình, không thể nào tiếp thu 1 chiều được. Ủng hộ review, vì cách viết của quyển sách này thực tế đã từng xuất hiện trong nhiều post trước đó của KT, nhất là ví dụ về người làm ngân hàng

  32. Ông trong hình là triệu phú tự thân, tạo nên môi trường gym văn minh, cùng những phát ngôn ủng hộ tinh thần real men, đẳng cấp để “”giải độc”” cho giới trẻ.
    Thế mà bị ví như “”quỷ dữ””, em thấy nhiều “”chúma huề”” quá :)))))))))

  33. “ Đa số chúng ta là những con người đi làm thuê”. (trích chủ tus) Mặc dù suy nghĩ này không sai, nhưng tôi không thích suy nghĩ này. Chúng ta là những con người “làm chủ” công việc của chúng ta. (Cái này ngoài lề)
    —————————————————
    Xin phép hỏi cái đoạn “người chủ là “chủ trang trại”” là dòng số mấy của trang bao nhiêu ạ? (Vì tôi không tìm thấy, nhưng có thể do tôi đã “bỏ sót”, cái này ngoài lề)
    —————————————————-
    Cái đoạn “bởi họ đã trải qua một nền giáo dục… lôi kéo”.
    “Đây là thực tế. Mình không nói đàn kiến là xấu. Chỉ là họ có tư duy giống nhau. Nhưng vẫn ảo giác họ đang nghĩ khác những con kiến khác. Bản chất là họ trải qua một nền giáo dục lỗi giống nhau. Nghe những bản nhạc giống nhau. Đọc những trang tin tức giống nhau. Bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên giống nhau. Chơi với những người có tư duy giống nhau.” (trích sách)
    Nguyên văn đoạn đó trên đây, những từ như “lỗi” thì mình xin không bàn luận, vì mình không thích tác giả dùng từ đó lắm, vì nó khá chủ quan. Nhưng mấu chốt vấn đề ở đây là “giống nhau) (Cái này mình đang phân tích theo quan điểm cá nhân, không có ý nói vào bài chủ tus, mục đích để mn hiểu rõ hơn thôi.)
    ————————-
    “khoản thù lao mua linh hồn” ở đây là 1 cách nói cường điệu cho việc cô Xuân “ đã phí tuổi trẻ”, chỉ vì “hai chữ “sự nghiệp”. Để rồi tất cả những gì tôi có là đống bằng cấp. Một chút kinh nghiệm và sự tự hào. Tôi không hạnh phúc như bạn nghĩ. Tôi đã 35. Đến cái thứ Bảy, Chủ nhật tôi còn phải hi sinh để có thêm một cái bằng mà giờ chúng tôi cũng nghi ngờ giá trị thật sự của nó.” (trích sách)
    Ai đọc đoạn này cũng hiểu được là : cô Xuân không hạnh phúc. Và cách nói “khoản thù lao mua linh hồn” ý chỉ việc không hạnh phúc đó.
    “Vậy thì hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho Vietcombank đều đang bán linh hồn cả sao?” (trích chủ tus)
    Chắc Kiên Trần cũng không ngờ được là người đọc của mình lại có thể đọc 1 mà hiểu hàng ngàn lận… mặc dù anh ta đã viết “cũng có thể Xuân chỉ là thành phần cá biệt” (trích sách). (Trang 30)
    Thứ hai, bản chất ở đây nói về việc, cô Xuân chạy theo một thứ khiến cô “không hạnh phúc”. Các nhân viên trong hàng ngàn kia “hạnh phúc” với công việc của họ thì đồng nghĩa là suy luận này sai bét.
    Chủ tus đang so sánh như kiểu, anh A và B cùng học ở trường C, anh A vì muốn theo nghệ thuật nhưng trường toàn dạy về Toán cao cấp và anh A cảm thấy “phí tuổi trẻ” thì anh B cũng “phí tuổi trẻ” tương tự, không cần quan tâm việc anh B “là một người đam mê toán học”.
    Chính ra nếu ở đây Kiên Trần không chỉ đích danh như “Vietcombank” sẽ hay hơn vì nó không động chạm đến cái gì cụ thể cả. Nhưng cách nói này lại khiến cho sự việc được “thật”. (Cái này tôi đồng ý là việc không nên chỉ đích danh, nhưng không đồng tính vì lí do “đòi hỏi xin lỗi” vì cái lí do bên trên viết rồi đấy.)
    So sánh bắc cầu khá là hài hước nhỉ?

    (Mỗi đoạn của bài viết mình sẽ phân tích bằng 1 cái cmt), vì bản thân mình nghĩ là không thể vì 1 điều chưa hay mà quy chụp mọi điều đều thế được, nên mình vẫn trên tinh thần phản biện với chủ tus, chứ không có phủ định sạch trơn.
    Xin phép bạn nào bảo mình soi thì mình không bàn đến nhé, đọc sách thì phải soi thì mới thấu chứ không soi sao thấu được ??

  34. (Phần 2)
    “Thậm chí tác giả còn mạnh miệng .. Saigon books” (chủ tus)
    Đoạn này xin đính chính nguyên văn của Kiên Trần là “Nhân viên ngân hàng, về bản chất là dân chạy bàn “cổ trắng”. Chưa kể thừa lao động. Chẳng trách thu nhập nhiều nhân viên ngân hàng còn thua xa cô bán trà đá trước cổng chính ngân hàng đó.” (trích sách, trang 45)
    Không biết từ “bảnh bao, học cao” ở đoạn nào thì chủ tus chỉ giúp tôi với. Tôi xin cảm ơn (Cái này ngoài lề)
    Đoạn sau thì bạn nói đúng, thông tin này không có số liệu chứng minh. Vì vậy nên tôi không phản biện lại điều gì về cái này. Chỉ nêu ra như vậy thôi
    Cái này tùy vào sự từng trải của mọi người mà xác định đúng, sai, phù hợp, không phù hợp. Vì những cô bán trà đá “xây nhà biệt thự” chắc không khó để lấy ví dụ nhỉ? ( Hoặc là 1 số người biết, một số không)
    Bản chất của tác giả ở đây theo tôi hiểu, kết hợp với cả chương 5. Theo ý tôi hiểu nhé, là tác giả muốn khuyên những người đang làm ngân hàng tìm một hướng đi khác. Vì mức lương, vì họ mất nhiều năm học tập để học tập, cày cuốc, làm việc cho đến hết ngày. Những người như cô Xuân.
    “Chỉ để nhận lại những thứ mà sau này nhìn lại chưa chắc đã xứng đáng”. (trích sách, trang 47).
    Đương nhiên đây là một đoạn hoàn toàn là quan điểm cá nhân, nên nó chỉ có phù hợp hay không phù hợp, phụ thuộc vào người trong ngành.
    Đó là điều tôi nghĩ tác giả muốn nói ở chương này.

  35. “ Đa số chúng ta là những con người đi làm thuê”. (trích chủ tus) Mặc dù suy nghĩ này không sai, nhưng tôi không thích suy nghĩ này. Chúng ta là những con người “làm chủ” công việc của chúng ta. (Cái này ngoài lề)
    —————————————————
    Xin phép hỏi cái đoạn “người chủ là “chủ trang trại”” là dòng số mấy của trang bao nhiêu ạ? (Vì tôi không tìm thấy, nhưng có thể do tôi đã “bỏ sót”, cái này ngoài lề)
    —————————————————-
    Cái đoạn “bởi họ đã trải qua một nền giáo dục… lôi kéo”.
    “Đây là thực tế. Mình không nói đàn kiến là xấu. Chỉ là họ có tư duy giống nhau. Nhưng vẫn ảo giác họ đang nghĩ khác những con kiến khác. Bản chất là họ trải qua một nền giáo dục lỗi giống nhau. Nghe những bản nhạc giống nhau. Đọc những trang tin tức giống nhau. Bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên giống nhau. Chơi với những người có tư duy giống nhau.” (trích sách)
    Nguyên văn đoạn đó trên đây, những từ như “lỗi” thì mình xin không bàn luận, vì mình không thích tác giả dùng từ đó lắm, vì nó khá chủ quan. Nhưng mấu chốt vấn đề ở đây là “giống nhau) (Cái này mình đang phân tích theo quan điểm cá nhân, không có ý nói vào bài chủ tus, mục đích để mn hiểu rõ hơn thôi.)
    ————————-
    “khoản thù lao mua linh hồn” ở đây là 1 cách nói cường điệu cho việc cô Xuân “ đã phí tuổi trẻ”, chỉ vì “hai chữ “sự nghiệp”. Để rồi tất cả những gì tôi có là đống bằng cấp. Một chút kinh nghiệm và sự tự hào. Tôi không hạnh phúc như bạn nghĩ. Tôi đã 35. Đến cái thứ Bảy, Chủ nhật tôi còn phải hi sinh để có thêm một cái bằng mà giờ chúng tôi cũng nghi ngờ giá trị thật sự của nó.” (trích sách)
    Ai đọc đoạn này cũng hiểu được là : cô Xuân không hạnh phúc. Và cách nói “khoản thù lao mua linh hồn” ý chỉ việc không hạnh phúc đó.
    “Vậy thì hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho Vietcombank đều đang bán linh hồn cả sao?” (trích chủ tus)
    Chắc Kiên Trần cũng không ngờ được là người đọc của mình lại có thể đọc 1 mà hiểu hàng ngàn lận… mặc dù anh ta đã viết “cũng có thể Xuân chỉ là thành phần cá biệt” (trích sách). (Trang 30)
    Thứ hai, bản chất ở đây nói về việc, cô Xuân chạy theo một thứ khiến cô “không hạnh phúc”. Các nhân viên trong hàng ngàn kia “hạnh phúc” với công việc của họ thì đồng nghĩa là suy luận này sai bét.
    Chủ tus đang so sánh như kiểu, anh A và B cùng học ở trường C, anh A vì muốn theo nghệ thuật nhưng trường toàn dạy về Toán cao cấp và anh A cảm thấy “phí tuổi trẻ” thì anh B cũng “phí tuổi trẻ” tương tự, không cần quan tâm việc anh B “là một người đam mê toán học”.
    Chính ra nếu ở đây Kiên Trần không chỉ đích danh như “Vietcombank” sẽ hay hơn vì nó không động chạm đến cái gì cụ thể cả. Nhưng cách nói này lại khiến cho sự việc được “thật”. (Cái này tôi đồng ý là việc không nên chỉ đích danh, nhưng không đồng tính vì lí do “đòi hỏi xin lỗi” vì cái lí do bên trên viết rồi đấy.)
    So sánh bắc cầu khá là hài hước nhỉ?

    (Mỗi đoạn của bài viết mình sẽ phân tích bằng 1 cái cmt), vì bản thân mình nghĩ là không thể vì 1 điều chưa hay mà quy chụp mọi điều đều thế được, nên mình vẫn trên tinh thần phản biện với chủ tus, chứ không có phủ định sạch trơn.
    Xin phép bạn nào bảo mình soi thì mình không bàn đến nhé, đọc sách thì phải soi thì mới thấu chứ không soi sao thấu được ??

  36. (Phần 2)
    “Thậm chí tác giả còn mạnh miệng .. Saigon books” (chủ tus)
    Đoạn này xin đính chính nguyên văn của Kiên Trần là “Nhân viên ngân hàng, về bản chất là dân chạy bàn “cổ trắng”. Chưa kể thừa lao động. Chẳng trách thu nhập nhiều nhân viên ngân hàng còn thua xa cô bán trà đá trước cổng chính ngân hàng đó.” (trích sách, trang 45)
    Không biết từ “bảnh bao, học cao” ở đoạn nào thì chủ tus chỉ giúp tôi với. Tôi xin cảm ơn (Cái này ngoài lề)
    Đoạn sau thì bạn nói đúng, thông tin này không có số liệu chứng minh. Vì vậy nên tôi không phản biện lại điều gì về cái này. Chỉ nêu ra như vậy thôi
    Cái này tùy vào sự từng trải của mọi người mà xác định đúng, sai, phù hợp, không phù hợp. Vì những cô bán trà đá “xây nhà biệt thự” chắc không khó để lấy ví dụ nhỉ? ( Hoặc là 1 số người biết, một số không)
    Bản chất của tác giả ở đây theo tôi hiểu, kết hợp với cả chương 5. Theo ý tôi hiểu nhé, là tác giả muốn khuyên những người đang làm ngân hàng tìm một hướng đi khác. Vì mức lương, vì họ mất nhiều năm học tập để học tập, cày cuốc, làm việc cho đến hết ngày. Những người như cô Xuân.
    “Chỉ để nhận lại những thứ mà sau này nhìn lại chưa chắc đã xứng đáng”. (trích sách, trang 47).
    Đương nhiên đây là một đoạn hoàn toàn là quan điểm cá nhân, nên nó chỉ có phù hợp hay không phù hợp, phụ thuộc vào người trong ngành.
    Đó là điều tôi nghĩ tác giả muốn nói ở chương này.

  37. Êu 1 số comment tưởng là đồng tình với bài viết nhưng lại là 1 dạng “chạy theo số đông” kinh khủng và “độc hại” hơn nhiều: gọi Kiên Trần là “thằng”, nói anh ta vớ vẩn, thiển cận … Đó không phải những review tốt. K nên xuất hiện ở những nhóm chất lượng thế này chứ. Mình thấy rất phản cảm. K nói đâu xa, hãy xem tác giả bài viết này. B ấy chỉ ra từng trang có những câu từ nào chưa thoả đáng, và quan điểm của b ấy thế nào.

  38. Tks bạn đã rì viu, t thấy nó lâu r mà k muốn đọc vì t có tâm lý đi ngược lại với đám đông (này là 1 dạng tâm lý kì quặc thực sự) :)))))) mà bởi tâm lý thế nên đọc bìa càng k muốn đụng vì cảm thấy nó sẽ bao gồm những điều mình biết r, lại các triết sâu xa thật ra lại chả mang ý nghĩa gì cả. Không hiểu gần đây khâu duyệt sách thế nào mà thị trường trôi nổi những cuốn sách bìa rất đẹp mà nội dung toàn đánh vào những suy nghĩ yếu điểm của con người mà nói, những điều được viết ra toàn là những điều mà con người trải nghiệm sẽ biết (cũng k sai nhưng toàn về tình cảm hay về sự mất cân bằng trong cuộc sống mà suy sụp, k có gì hơn hết) và toàn là trải nghiệm chưa chắc đã đúng hoặc thậm chí sai lệch của tác giả. T đọc dc nửa bài của bạn đã hiểu bạn nói gì và chả muốn đọc nữa, t chả muốn tiếp thu thêm về nhận thức sai lệch này cũng như sự hiểu biết nông cạn của tác giả :))) dù tâm lý t hay đi ngược vs đám đông ấy nhưng có thể nhận biết dc rất rõ ràng là tác giả này hiểu biết quá sai lệch và tưởng v là hay :)))) sách thị trường giờ nhiều sách vậy lắm, chán không muốn nói, đôi khi chỉ muốn kiếm một cuốn sách hay đơn giản như kiểu trong gia đình, không gia đình,… Những câu chuyện mới hấp dẫn được viết ra nhưng không có

  39. Mình đang đọc cuốn này luôn, sau cuốn Ielts Handbook đang thấy hay hay nên được cho mượn cuốn này để đọc. Lộ vụ fake bảng điểm Ielts, xong xin lỗi cho có và lươn lẹo ai chả có lỗi sai trong đời :)? Tạm bỏ qua vì sang chấn tâm lý tác giả sách thấy có mấy quan điểm hay ho lại có những biểu hiện không trung thực lắm. Vẫn đọc cuốn Đừng chạy theo số đông, để xem nó có gì hay ho như cuốn Chuyến tàu 1 chiều không trở lại không. Đọc thì cho mình một quan điểm khác về đi làm 8 tiếng và làm chủ. Còn lại ngôn ngữ trong sách đọc khá là áp đặt, đọc mà cảm thấy hơi toxic và khó chịu. Như kiểu số đông ngu dốt, sợ hãi,… Còn mình là số ít thượng đẳng vậy đó. Anyway, sẽ đọc hết để cảm nhận trọn vẹn hơn.

  40. – Mình có Mua 2 cuốn để tặng đứa em 1 cuốn. – Mình đọc đc tầm 50 pages rồi tạm gấp lại sách cũng chưa tặng đứa em. Tác giả sinh năm 1992. Nên mình hơi ngại khi những góc nhìn mang tính khẳng định. Trải nghiệm của tác giả chưa thể là nhiều để ra 1 cuốn sách định hướng được. – Hướng của 50 trang sách mình đọc thì cũng ngầm hiểu ý tác giả muốn đi. Nhưng chỉ ngại các bạn trẻ sinh viên đọc rồi chưa có trải nghiệm rất dễ ảo tưởng, phụ thuộc. – Chúc mọi người có nhiều đầu sách hay để pt bản thân, nghề nghiệp.

  41. Úi zời tác giả này còn làm giả bằng IELTS, bị bóc phốt thì làm quả bài cuộc đời các kiểu =)) nói chung là có những con người mình chẳng nên quan tâm làm gì =))

  42. Bài viết hay thật! Sau review này mình sẽ dừng lại ý định mua sách, vì đọc review rất chi tiết đầy đủ rồi. Cảm ơn tác giả nhé ♥️ Đúng là sách nào thì cũng có những điểm hay và điểm không hay, đọc những bài “chê” cũng học được rất nhiều điều, miễn là đọc với tinh thần học hỏi và không phán xét bằng những ngôn từ tiêu cực là được. Cảm ơn tác giả vì cho mình thấy 1 cái nhìn mới trong việc đọc sách !!!

  43. Trong tất cả những cuốn sách self-help em đọc thì tác giả thường sẽ chỉ ra cho người đọc thấy rằng, lỗi lầm từ bản thân mà ra chứ chẳng đổ thừa cho ai cả. Vì đấy là cách mà thế giới này vận hành, ko thay đổi đc thì thay đổi bản thân thôi. Thế mà cái quyển sách này sặc mùi đổ thừa :)))

  44. Đã đọc xong bài viết. Cảm ơn chủ thớt. Bản thân mình gần đây ít đọc sách Việt vì hiện đang ở nước ngoài. Mặc dù mình cũng chủ trương sống tự do, nhưng nhìn nhận lại thì đi làm công ty cũng có nhiều điểm tốt. Nhiều lúc cũng thấy tội sếp vì giai đoạn khởi nghiệp rất vất vả. Công ty muốn đạt được lợi nhuận thì cũng đã từng trải qua nhiều giai đoạn sóng gió và thành quả khi đạt được thì chủ công ty xứng đáng được hưởng. Còn trường học dạy chúng ta rất nhiều điều. Chỉ tiếc những năm tháng đó chúng ta còn quá nhỏ để nhận ra bài học. Đến khi trưởng thành lại không thể quay về thời ở giảng đường để học tập nữa rồi…😅😅😅

  45. May quá ko chỉ mình thấy khâu biên tập của Saigonbooks có vấn đề trong quyển này. :)))) chưa bàn đến nội dung vì quan điểm đúng sai tùy người (chưa kể phốt làm giả bảng điểm IELTS khiến tác giả tự vả vào mặt mình) thì phần hình thức, câu từ của quyển này quá tệ. Tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt lung tung, dùng từ ko thống nhất (như bận fake rồi thì fake bận, ủa từ điển tiếng Việt có từ này sao?). Câu văn thì cắt xén tùm lum, thiếu chủ ngữ, vị ngữ, xuống dòng tùy tiện, đọc như thể bản nháp. :))) Chả hiểu biên tập kiểu gì mà có thể cho in ra sách. Sách giờ dễ viết vậy à. :))

  46. (Phần 3)
    “Ở trang 39 có đoạn : … những bài học đáng suy ngẫm” (chủ tus)
    Ui cha, đoạn này học 1 hiểu một ngàn phát huy cực kì mãnh liệt này.
    Cả cái chương của đoạn này ( chương 4), Kiên Trần lấy lại ví dụ của cô Xuân.
    “Cô nhận ra những năm qua cô dành tuổi xuân của mình không phải cho bản thân cô, cho gia đình, cho sức khỏe, cho mối quan hệ của cô.” (trích sách, trang 39)
    “Cô nhận ra. Mình đã TƯỚI SAI CÂY.
    Có lẽ bạn cũng vậy ?
    Bạn dành 1 tiếng đi lại và hít khói bụi (mỗi ngày). 8-9 tiếng làm công việc mà bạn không hứng thú (mỗi ngày), 1-2 tiếng cho việc nhà, cơm nước. Và cuối cùng bạn cạn kiệt. Bạn chọn giải trí trên Facebook, Netflix, Instagram, sau đó đi ngủ.
    Vấn đề ở đây là bạn tưới sai cây. Bạn bận thật. Nhưng bạn bận sai chỗ.” (trích sách, trang 39).
    Mọi người có thể hiểu được Kiên Trần đang muốn hướng đến đối tượng nào rồi chứ? Nếu là một người không muốn “phát triển bản thân” thì đọc sách này làm gì để rồi lại quay ra.
    “Tác giả Kiên Trần lấy quyền gì mà phán xét người ta đang tưới đúng,…” (trích chủ tus)
    Vậy chẳng lẽ tôi lại bảo bạn cứ tiếp tục chìm đắm “giải trí trên FB, Insta”, tiếp tục làm “công việc mà bạn không hứng thú” đi, cứ tiếp tục đi rồi phát triển làm quái gì mà phải vất vả đọc quyển sách này ?
    Tôi hỏi thật, bạn biết cuốn sách này viết cho ai không ?

  47. (Phần 4)
    “Bạn có thể sẽ thắc mắc, nếu ai cùng làm chủ trang trại thì ai sẽ là đàn kiến?
    Mình xin đặt lại câu hỏi của bạn như sau: “Nếu số đông đều làm chủ trang trại mà không có nhân viên – kiến – cày cấy hộ, thì giá trị của một con kiến sẽ tăng như thế nào?”.
    Chỉ cần thay đổi cách đặt câu hỏi đúng, bạn đã có thể tự có câu trả lời. Hãy nhớ quy luật cung cầu không chừa một ai. Lúc này nhân viên sẽ giàu nhất chỉ đơn giản bởi “Đừng chạy theo số đông” “. (trích sách, trang 104)
    (Trích đoạn ngoài lề này ra để bạn nào có câu hỏi, ai cũng làm chủ hết thì như thế nào ?)
    “Tác giả đã gieo vào đầu người đọc… chứng minh cả”
    Tôi chưa thấy cái ý nào ở đây có hàm ý là “những con cừu dễ lợi dụng, lừa mị nhân viên” cả. Có chăng ý ở đây chỉ muốn nói về quyền lực của những người chủ doanh nghiệp đang nắm giữ. Đặc biệt là truyền thông.
    Kiên Trần đưa ra một quan điểm cá nhân, (cái này chắc phải bảo là “trải đời” mới biết được nó phù hợp hay không phù hợp)
    Đoạn này chỉ nói ở đây thôi vì tôi đồng ý là không có nhiều dẫn chứng, số liệu thật. Tùy vào độ “trải” của mỗi người mà sẽ đánh giá khác nhau. Miễn đừng có “ngây thơ” nhân viên là ông hoàng, đến công ty vểnh chân ngồi mát, chơi game, mà lương cao, có xe đưa đón hàng ngày, là được.

  48. Tạm thời phản biện đoạn đầu như vậy đã, hi vọng chủ tus hoặc những người có quan điểm trái chiều có thể phản biện với tôi. Hãy coi đây là việc học hỏi, không có 1 sự ganh ghét nào cả.

  49. Hoá ra thiên hạ cũng nhiều Anh Em rảnh rỗi phết. Nhìn vào thực tế sách nó như thế nào, Kiên Trần ra sao chả liên quan gì tới cuộc đời, công việc, gia đình, sức khoẻ các bạn. Các thông tin giả về Kiên Trần như thế nào sao phải quan tâm. Haha
    Đọc và cảm nhận những thay đổi bên trong con người mình xem tốt lên hay xấu đi. Riêng mình cảm thấy quyển đừng chạy theo số đông viết có chiều rộng, cao và sâu. Thị trường ít sách dám viết như vậy. Đa số sách trên thị trường viết chung chung dựa theo một vài nguyên lý giống nhau.

  50. Trong quyển “Hai số phận” có câu: “Anh chỉ có thể lựa chọn phục vụ phần đông quần chúng bình dân hoặc 1 số ít tầng lớp tư bản, không thể cùng lúc vừa lòng cả hai”. Kiên Trần theo hẳn phe bình dân còn bác thì có vẻ đang mong chờ 1 tác phẩm đáp ứng “mọi nhu cầu” rồi.

Trả lời Nguyen H. Khang Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Review mới nhất